Cuộc khủng hoảng kinh tế Cuộc_khủng_hoảng_tại_Venezuela

Nhà ở

Kể từ giữa những năm 2000 trong nhiệm kỳ tổng thống của Chávez, Venezuela đã phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng nhà ở [79]. Năm 2005, Phòng Xây dựng Venezuela (CVC) ước tính rằng đất nước thiếu hụt 1,6 triệu ngôi nhà, mặc dù chính quyền Chavez đã hứa hẹn sẽ xây dựng 120.000 căn nhà để cấp cho người dân nhưng trên thực tế mới chỉ có 10.000 căn nhà được xây dựng [80]. Do sự thiếu hụt nhà ở, nhiều người Venezuela nghèo đã cố gắng tự xây nhà cho chình mình bất chấp những rủi ro.[80]

Đến năm 2011, Venezuela bị thiếu hụt 2 triệu căn nhà [79][81]. Tình trạng thiếu nhà ở càng trở nên trầm trọng hơn khi các công ty tư nhân dừng việc xây dựng thêm nhà ở do lo ngại về việc chiếm đoạt tài sản và Chính phủ thì không có khả năng xây dựng và cung cấp nhà ở [79]. Đến năm 2012, sự khan hiếm vật liệu xây dựng cũng khiến cho việc xây thêm nhà ở cho người dân trở nên bất khả thi, với sản lượng kim loại ở mức thấp chưa từng thấy trong 16 năm [82]. Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của Chávez vào năm 2013, số người Venezuela bị thiếu nhà ở đã tăng lên con số 3 triệu người, rất nhiều người ở thủ đô Caracas phải sống trong các khu ổ chuột [82].

Dưới thời chính phủ Maduro, tình trạng thiếu nhà ở tiếp tục trở nên tồi tệ hơn. Maduro tuyên bố vào năm 2014 rằng do thiếu thép, tất cả các xe ô tô và phương tiện giao thông bị bỏ không sẽ được chính phủ mua lại và nấu chảy để cung cấp thép cho việc xây dựng nhà ở [82]. Vào năm 2016, những người dân được cư trú tại những ngôi nhà do chính phủ cung cấp, thường là những người ủng hộ Chính phủ, do cảm thấy vô cùng bất bình về tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm, đã tổ chức các cuộc biểu tình. Một người phụ nữ Venezuela tên là Anna Karena tuyên bố: "Chúng tôi đã chịu đựng đủ rồi. Điều này phải chấm dứt". Theo Karena, trong toàn bộ khu phức hợp nhà ở do chính phủ xây dựng, không một căn nhà nào có hệ thống dẫn nước. Đi cùng với đó là sự khan hiếm cực độ của những mặt hàng cơ bản, chẳng hạn như gạo, xà phòngthuốc men khiến cho gia đình cô điêu đứng. Không có đủ điều kiện để mua các mặt hàng này trên thị trường chợ đen, Karena đã phải xếp hàng hàng giờ, đôi khi từ trước bình minh, chỉ để mua đủ ăn [83].

Nợ của Venezuela

Nợ của Venezuela, năm 2014

Theo Ngân hàng Trung ương Venezuela, nợ nước ngoài của nhà nước Venezuela năm 2014 được chia thành:

  • Nợ công của Venezuela: nó chiếm 55% tổng số nợ và là khoản nợ về trái phiếu nợ trong và ngoài nước, tín phiếu kho bạc và các khoản vay ngân hàng.
  • Nợ tài chính của PDVSA (Công ty Dầu khí Venezuela, do nhà nước sở hữu), chiếm 21% tổng số nợ.
  • Nợ nước ngoài, chiếm 15% tổng số nợ.
  • Nợ của CADIVI, chiếm 9% tổng số nợ.

Vào tháng 11 năm 2017, tờ The Economist ước tính tổng số các khoản nợ của Venezuela là 105 tỷ đô la Mỹ và dự trữ của nó ở mức 10 tỷ đô la Mỹ [84].

Thiếu hụt

Một người Venezuela đang thưởng thức ngon lành đồ ăn kiếm được từ một bãi rác

Sự thiếu hụt nhu yếu phẩm trên diện rộng ở Venezuela đã diễn ra kể từ khi ban hành các biện pháp kiểm soát giá cả và các chính sách khác trong thời kỳ cầm quyền của chính phủ Hugo Chávez [85]. Đến thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Nicolas Maduro, tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm đã ở mức độ vô cùng trầm trọng [86].

Một người dân Venezuela lục tìm thức ăn tại một bãi rác

Người dân Venezuela đã phải đối mặt với nỗi thống khổ của tình trạng thiếu hụt các loại thực phẩm cơ bản, chẳng hạn như sữa, các loại thịt, gà, cà phê, gạo, dầu, bột sơ chế, bơ; cũng như các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như giấy vệ sinh, sản phẩm vệ sinh cá nhân và thuốc men [85][87][88]. Thực phẩm trở nên khan hiếm đến nỗi nhiều người dân Venezuela đã phải ăn cả hoa quả dại hoặc thậm chí cả rác, nhiều người khác thì phải xếp hàng chờ đợi trong vô vọng tại các cửa hàng thực phẩm mà cuối cùng chẳng thể mua được bất cứ thứ gì- hầu hết các cửa hàng và siêu thị cũng đều nhanh chóng hết sạch hàng hóa[89][90][91][92][93].

Vào tháng 1 năm 2016, người ta ước tính rằng tỷ lệ khan hiếm thực phẩm tại Venezuela là từ 50% đến 80%. Quốc hội mới được bầu, bao gồm chủ yếu là các đại biểu phe đối lập, tuyên bố rằng một cuộc "khủng hoảng lương thực quốc gia" đang diễn ra. Hơn 500 phụ nữ Venezuela đã liều mang vượt biên trái phép sang Colombia để tìm kiếm thức ăn vào ngày 6 tháng 7 năm 2016 [94]. Đến ngày 10 tháng 7 năm 2016, Venezuela tạm thời mở cửa biên giới với Colombia trong vòng 12 giờ. Hơn 35.000 người Venezuela đã đổ xô vượt biên sang Colombia để kiếm thức ăn trong khoảng thời gian đó [95]. Chỉ trong hai ngày, hơn 123.000 người Venezuela đã vượt biên sang Colombia để tìm kiếm thức ăn. Chính phủ Colombia đã thiết lập cái mà họ gọi là "hành lang nhân đạo" để giúp đỡ người dân Venezuela [95]. Cũng trong khoảng thời gian đó vào tháng 7 năm 2016, đã xuất hiện một số báo cáo về việc nhiều người Venezuela tuyệt vọng lục lọi các bãi rác để kiếm thức ăn [91][92].

Là quốc gia sở hữu trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới, thế nhưng từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2018, các thành phố đông dân ở miền Trung của Venezuela như Valencia và thủ đô Caracas bắt đầu xuất hiện tình trạng khan hiếm xăng dầu. Đó là kết quả của tình trạng sụt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động của các nhà máy lọc dầu trong bối cảnh Venezuela bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 5 liên tiếp [96]. Các chương trình trợ cấp của Chavez như duy trì giá xăng ở mức dưới 0,1 USD/gallon (tương đương hơn 500 VND/lít), làm các nguồn tài nguyên của Venezuela bị phung phí trong khi các doanh nghiệp tư nhân không dám tăng mức đầu tư do lo ngại về những vụ quốc hữu hóa và sung công thường hay xảy ra bất ngờ thời Chavez khiến nền kinh tế càng thêm khó khăn giữa lúc tốc độ tăng trưởng trì trệ mà tỷ lệ lạm phát lại cao.[97] Ngành khai thác dầu thô, ngành công nghiệp quan trọng nhất của Venezuela, đang gặp khó khăn nghiêm trọng vì tổng thống Hugo Chávez đã quốc hữu hóa các công ty dầu mỏ nước ngoài, cố gắng khai thác quá mức từ công nghiệp dầu mỏ để tài trợ cho những chương trình trợ cấp của ông trong khi không tái đầu tư đúng mức do đó đã hy sinh khả năng phát triển của ngành này khiến sản lượng khai thác được ngày càng thấp do hạ tầng công nghiệp dầu mỏ đang xuống cấp quá nhanh. Hiện ngành công nghiệp này đang gặp khủng hoảng đẩy toàn bộ nền kinh tế Venezuela vào khủng hoảng vì nước này quá phụ thuộc vào dầu mỏ.[98][99]

Venezuela cũng phải trải qua tình trạng thiếu điện và sự cố mất điện ở các thành phố lớn là chuyện diễn ra hàng ngày. Vào ngày 20 tháng 4 năm 2016, chính phủ đã buộc phải phân phối điện cho các hộ gia đình ở mười bang thuộc Venezuela, bao gồm thành phố thủ đô Caracas; Một số nỗ lực khác của chính phủ nhằm hạn chế việc sử dụng điện, bao gồm cả thay đổi múi giờ của Venezuela hay kêu gọi tất cả những người phụ nữ trên toàn đất nước Venezuela ngừng sử dụng máy sấy tóc, đã hoàn toàn thất bại [100]. Vào tháng 3 năm 2019, một sự cố mất điện trên diện rộng cực kỳ nghiêm trọng đã xảy ra ở 16/23 bang và khu vực thủ đô của Venezuela, khiến cho 43 người dân thiệt mạng do thiếu nguồn cung cấp nước, các bệnh viện bị ngừng hoạt động và hệ thống giao thông bị ngưng trê.

Tình trạng khan hiếm nước ngọt ở Venezuela khiến cho chính phủ buộc phải phân phối nước cho người dân. Nhà ở của rất nhiều người dân Venezuela không còn được tiếp cận với đường ống dẫn nước và thay vào đó họ phải dựa vào lượng nước ít ỏi do chính phủ cung cấp cho họ vài lần mỗi tháng. Thiếu nước ngọt để sinh hoạt, nhiều người Venezuela bắt đầu ăn cắp nước ngọt từ các bể bơi, tòa nhà công cộng và thậm chí cả xe tải chở dầu [101]. Do tình trạng khan hiếm nước ngọt, "các trường hợp mắc bệnh ghẻ lở, sốt rét, tiêu chảyamip ở Venezuela đã tăng vọt", theo Miguel Viscuña, Giám đốc Dịch tễ học của Tập đoàn Y tế Trung ương Miranda [102]. Tình trạng thiếu lương thực và thuốc men vốn đã vô cùng tồi tệ lại càng trở nên trầm trọng hơn [103]. Các loại thực phẩm đông lạnh bị hư hại, và nhiều cửa hàng bán lẻ thịt, sữa phải đóng cửa do không thể bảo quản được sản phẩm [104]. Sản lượng thịt, sữa và rau quả bị cắt giảm một nửa. Trường học, siêu thị, ngân hàng và các tòa nhà chính phủ phải tạm ngừng hoạt động. Tại bệnh viện, một trong những bác sĩ đã dành cả đêm để cố gắng cứu sống bệnh nhân phải bật khóc: "Hôm qua tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực, suốt đêm dài tôi đã cố gắng giúp đỡ và cứu sống bệnh nhân mà không có thiết bị thích hợp để làm việc đó. Tôi đang vô cùng tức giận. Lần này, đó là bệnh nhân của tôi, nhưng nếu sau này, đó là gia đình tôi thì sao?" [105]. Do thiếu điện, hệ thống cung cấp nước cũng bị ảnh hưởng. Theo The Washington Post, khoảng hai phần ba dân số Venezuela (20 triệu người) không có nước hoặc không đủ nước để sinh hoạt trong vài tuần sau sự cố mất điện [106]. Tại Caracas, từ ngày 11 tháng 3, đã có hàng trăm người tràn ra dòng sông Guaire bị ô nhiễm với những chiếc thùng phi để múc nước sông mang về sử dụng [107]. Nhiều người khác đã cố gắng lấy nước từ các cống thoát nước của thành phố [108]. Hàng trăm người xếp hàng dưới chân đồi El Ávila để lấy nước từ các con suối [109]. Trong khi đó ở bang Lara, người dân thậm chí còn phải tắm rửa trong các cống rãnh do không được cung cấp nước sạch [110].

Tình trạng thiếu hụt thuốc men cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân Venezuela [111]. Sự khan hiếm các loại thuốc kháng vi-rút để điều trị HIV / AIDS khiến cho hàng ngàn người nhiễm HIV đã phát triển sang giai đoạn AIDS dù điều này hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu có đủ thuốc [112]. Nhiều người Venezuela cũng cho biết tình trạng khan hiếm thuốc men khiến họ không thể nào kiếm nổi acetaminophen để ngăn ngừa virus chikungunya, một bệnh truyền qua muỗi có khả năng gây tử vong [113]. Bệnh bạch hầu, một loại bệnh gần như không còn ai ở Venezuela mắc phải kể từ những năm 1990, đã xuất hiện trở lại vào năm 2016 do thiếu các loại thuốc cơ bản cũng như vắc-xin [114].

Tổng sản phẩm nội địa

Do tác động của cuộc khủng hoảng, năm 2015 nền kinh tế Venezuela đã suy thoái ở mức 5,7%. Đến năm 2016, mức suy thoái đã lên tới 18,6%, theo Ngân hàng Trung ương Venezuela.[74]

Nền kinh tế Venezuela phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn lợi thu được từ dầu mỏ, chiếm khoảng 96% doanh thu xuất khẩu của nước này. Giá dầu giảm đã xảy ra vào thời điểm quốc gia Nam Mỹ này đối mặt với lạm phát phi mã, tỉ lệ lạm phát lên tới 63,9% trong tháng 11 và dẫn tới sự khan hiếm nghiêm trọng của các loại hàng hóa cơ bản.

Lạm phát

Tỉ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng Bolivar của Venezuela

Lạm phát ở Venezuela vẫn luôn ở mức rất cao trong suốt nhiệm kỳ của tổng thống Chávez. Đến năm 2010, lạm phát đã khiến cho việc tăng lương cho người lao động trở nên hoàn toàn vô ích bởi đồng tiền mất giá liên tục [115]. Tỷ lệ lạm phát năm 2014 đạt 69% [116] và là mức cao nhất trên thế giới thời điểm đó [117][118]. Tỷ lệ lạm phát sau đó tăng lên tới 181% vào năm 2015 [119], 800% vào năm 2016 [74][120], 4.000% vào năm 2017 [121] và 1.698.488% vào năm 2018 [122].

Vào tháng 11 năm 2016, Venezuela chính thức bước vào thời kỳ siêu lạm phát [123]. Chính phủ Venezuela "về cơ bản" đã ngừng đưa ra các ước tính chính thức về lạm phát kể từ đầu năm 2018.

Lạm phát đã ảnh hưởng đến người dân Venezuela đến nỗi vào năm 2017, nhiều người trong số họ đã ồ ạt tham gia các trò chơi điện tử trực tuyến, chẳng hạn như trò chơi RuneScape với mục đích kiếm được thật nhiều tiền ảo trong trò chơi, rồi đổi số tiền ảo đó cho những người chơi khác ở nước ngoài để nhận lấy tiền thật. Trong nhiều trường hợp, những game thủ này kiếm được nhiều tiền hơn cả những người làm công ăn lương ở Venezuela mặc dù họ chỉ kiếm được vài USD mỗi ngày [124]. Trong mùa Giáng sinh 2017, một số cửa hàng ở Venezuela đã quyết định không sử dụng thẻ báo giá đối với các loại mặt hàng được bày bán vì giá cả tăng quá nhanh, vì vậy khách hàng được yêu cầu hỏi nhân viên tại các cửa hàng số tiền của mỗi món hàng mà họ muốn mua [125].

Vào tháng 8 năm 2018, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố rằng để chống lại siêu lạm phát, nước này sẽ phát hành một loại tiền tệ mới, được gọi là Sovereign Bolivar (đồng Bolivar tối cao). Đồng tiền mới này ít hơn năm số 0 so với đồng tiền cũ của Venezuela (nghĩa là 1 đồng Bolivar mới có giá trị bằng 100.000 đồng Bolivar cũ), gồm có các mệnh giá là 2, 5, 10, 20, 50, 100, 200 và 500. Đồng tiền mới này đã chính thức được phát hành vào ngày 20 tháng 8 năm 2018 [126].

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cuộc_khủng_hoảng_tại_Venezuela http://www.lanacion.com.ar/1684248-maduro-insiste-... http://www.cbc.ca/news/multimedia/mangoes-fill-the... http://www.aljazeera.com/news/2017/01/venezuela-mi... http://bancaynegocios.com/los-principales-causas-d... http://www.bloombergview.com/articles/2015-01-02/n... http://www.businessinsider.com/venezuela-colombia-... http://news.chosun.com/site/data/html_dir/2018/05/... http://edition.cnn.com/2013/03/06/business/venezue... http://edition.cnn.com/2013/11/20/world/americas/v... http://www.economist.com/node/21526365